Nguyên nhân Hikikomori

Khá đông giới trẻ đam mê phát cuồng phim ảnh duy linhtrò chơi điện tử, từ lâu đã lựa chọn thế giới ảo làm điểm tựa tinh thần duy nhất cho bản thân, kể cả mỗi khi gặp phải những chuyện đau buồn trong cuộc sống. Máy vi tính, Play Station và những đầu máy phát DVD kết nối vào mạng Internet, lĩnh vực vốn là niềm tự hào của Nhật Bản, lại cũng chính là "đồng tác giả" tạo ra lối sống hikikomori. Con người có thể liên hệ với thế giới bên ngoài và đặt bữa ăn qua mạng Internet. Nền công nghiệp Nhật Bản không ngừng nỗ lực sản xuất các trò chơi ngày càng siêu ảo. Mọi thực tế đều có thể bị "bỏ qua" bên cạnh những trò chơi này.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một nơi có môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt về mảng giáo dục. Tại quốc gia này, chỉ có vài trường đại học "đắt giá", vậy nên sức ép và sự ganh đua là rất lớn, chỉ khoảng gần 20% học sinh may mắn thực hiện được "giấc mơ Nhật Bản", sẽ giành được biên chế suốt đời tại các tập đoàn danh tiếng. Số đông thanh niên không được tuyển dụng, cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa, và rồi họ tự rút lui và biến mất giống như một hikikomori thực thụ. Hiện tượng này có thể phần nào được hình thành bởi đặc thù của nền kinh tế Nhật Bản, phải trải qua hàng thập kỷ mất mát, khiến lực lượng lao động sáng tạo (có tính hướng nội) bị gạt qua bên lề của kinh tế. Theo ý kiến một số chuyên gia, nếu ở Hoa Kỳ, lực lượng này sẽ là lực lượng lao động chủ chốt của những doanh nghiệp sáng tạo theo hình mẫu Google, Microsoft hay Apple vốn dĩ là những người làm việc khá độc lập và tách biệt. Đơn cử cho trường hợp này là Bill Gates trong thời gian đầu khởi nghiệp, ông thường giam mình trong nhà kho của trường Harvard để nghiên cứu về máy tính.